Người nhạc sĩ chỉ dùng âm thang để diễn đạt tư tưởng. Khi mới bắt đầu học dương cầm, thì đó cũng là khái niệm mà bạn phải học và luôn luôn sử dụng những âm thang. Ngay cả người đánh dương cầm hay nhất trong buổi hòa nhạc trên thế giới cũng vẫn phải dùng âm thang. Nó là kỹ năng căn bản không thể nào bỏ đi được.
Mỗi thể thao viên chơi bóng chày đều phải thực tập đánh gậy. Đó cũng là việc đầu tiên bạn phải học trong đội bóng chày khi còn bé, và bạn không ngừng thực tập. Trong Thế Vận hội, cuộc chơi bóng chày đều bắt đầu bằng thực tập đánh gậy. Kỹ năng căn bản phải luôn luôn mài giũa.
Tọa thiền là diễn đàn cho thiền giả thực tập kỹ năng căn bản cho chính mình. Cuộc chơi mà người tu thiền đang tham dự là kinh nghiệm về đời sống của mình, và những dụng cụ thiền giả dùng là những bộ phận cấu tạo của giác quan. Ngay cả những người tu thiền lâu năm vẫn còn đang tiếp tục tọa thiền, bởi vì nó giúp họ điều chỉnh và mài giũa những kỹ năng căn bản mà thiền giả luôn cần cho cuộc chơi. Nhưng chúng ta đừng bao giờ quên rằng, buổi tọa thiền vốn không phải là một cuộc chơi. Nó là buổi thực tập. Cuộc chơi là nơi mà những kỷ năng căn bản được áp dụng, chính là phần đời sống thực nghiệm còn lại của mình. Tu thiền mà không áp dụng nó vào đời sống hằng ngày thì không có tác dụng gì cả và cũng rất là hạn chế.
Mục đích của thiền Minh Sát không gì khác hơn là sự biến đổi xuyên suốt và vĩnh viễn toàn bộ thế giới cảm giác và nhận thức của bạn. Có nghĩa là, làm một cuộc cách mạng hóa kinh nghiệm đời sống của chính mình. Những buổi tọa thiền là thời gian được dành riêng cho tiến trình làm thấm nhuần những thói quen tâm linh mới. Bạn học phương pháp khác hơn để đón nhận và hiểu biết những cảm giác, để rồi gầy dựng lên những lối hành xử đúng đắn — hợp với chánh pháp — đối với những nhận thức tư tưởng, và thiết lập cho mình một phong cách mới trong lúc đối mặt với những tình cảm không ngừng túa ra từ tâm. Cách hành xử mới này sẽ được ứng dụng cho suốt cả phần đời còn lại của bạn.
Nếu không như thế, thì tu thiền chỉ là một mảnh lý thuyết khô khan, không ích lợi gì cho cuộc đời và không liên quan gì tới thế gian này cả. Sự cố gắng liên hệ hai lãnh vực này (sự tu tập và thực tại đời sống) lại với nhau thì rất ư là quan trọng. Một phần tiến bộ sẽ xảy ra lập tức, nhưng cả tiến trình thì sẽ hình thành rất chậm và không thể xác định rõ ràng. Bạn có lẽ sẽ phải mang cảm giác rằng mình không đi đến đâu cả, và rồi bỏ cuộc vì nó không mang đến lợi ích gì rõ rệt.
Một trong những hiện tượng không thể nào quên được trong cuộc đời tu tập thiền của bạn, có lẽ chính là phút giây bạn nhận ra rằng, mình đang tu trì ngay trong cơn vận hành của những sinh hoạt bình thường. Bạn đang lái xe trên xa lộ hay đang mang bọc rác ra bỏ, và sự tu tập tự vận hành lấy một cách tự động. Kỹ năng tự bộc lộ không do trù định này, đã được bạn nuôi dưỡng từ bao lâu là một niềm vui chân chính. Nó mở ra cho bạn một cửa sổ nhỏ đi vào tương lai. Lúc ấy, bạn bắt gặp một chớp mắt của những gì mà sự tu tập thật sự có ý nghĩa ra sao. Cái tiềm năng đó đánh mạnh cho bạn biết rằng, sự biến chuyển ý thức kia có thể trở nên cơ năng vĩnh cữu cho kinh nghiệm của bạn. Rồi nhận thức ra là mình có thể thật sự sống hết chuỗi ngày còn lại trong kiếp này, đứng bên lề của những nỗi ám ảnh, luôn tạo ra suy nhược, làm huyên náo kia của mình; mình không còn mãi săn lùng một cách cuồng loạn những thứ mà mình mong muốn hay khát khao nữa. Bạn chỉ va chạm nhẹ với những gì xảy ra đủ để có thể đứng một bên mà ngắm nhìn chúng đi qua. Đó chính là một phút giây kỳ diệu không thể nào quên.
Cái viễn ảnh đó có thể mãi mãi không thành hiện thực, ngoại trừ khi nào bạn tìm kiếm một cách tích cực để thúc đẩy cả quá trình. Phút giây quan trọng nhất trong tu thiền chính là thời điểm bạn rời cái tọa cụ. Khi buổi tọa thiền đi qua, bạn có thể đứng dậy và bỏ hết tất cả, hay có thể mang những kỹ năng này để đi vào sinh hoạt của cuộc sống trong kiếp đời còn lại.
Rất quan trọng để cho bạn hiểu được tu thiền là gì. Nó không phải là những tư thế ngồi đặt biệt, hoặc là những bài thực tập cho tâm. Tu thiền là sự vun bồi chánh niệm và áp dụng khả năng chánh niệm ấy một khi đã được am tường. Bạn không cần phải ngồi để tu thiền. Bạn có thể tu tập trong khi đang rửa chén dĩa, đang tắm, trượt băng, đánh máy chữ… Tu thiền là tỉnh giác và phải được áp dụng vào mỗi khía cạnh sinh hoạt đời sống. Điều này thật không phải là dễ dàng gì.
Chúng ta đặt biệt vun bồi tỉnh giác qua tư thế ngồi ở một nơi yên tĩnh, bởi vì đó là một hoàn cảnh dễ dàng nhất để làm việc này. Còn tu thiền trong hành động thì khó khăn hơn nhiều. Tu thiền ngay giữa cơn biến động huyên náo thì càng khó khăn hơn nữa. Và tu thiền trong cơn hoạt động của tính ích kỷ cao độ như là cơn lãng mạn tình cảm hay trong cuộc tranh cãi là một thử thách tột bực. Những người còn mới đã phải choáng ngợp với những sinh hoạt ít căng thẳng rồi, thì còn nói chi những trạng thái cực đoan kia.
Nhưng mục đích tối hậu của sự tu tập vẫn còn kia: gầy dựng cho mình một khả năng tập trung và sự tỉnh giác ở tầng mức khả dĩ không bị dao động ngay cả lúc đang chịu đựng sức ép của cuộc đời trong xã hội thời đại này. Đời sống đã cho ra quá nhiều thử thách và những thiền giả nghiêm túc thì rất ích khi nào để ngã lòng.
Đưa sự tu tập vào những sự kiện trong ngày không phải là một quá trình đơn giản. Hãy thử đi rồi sẽ biết. Cái điểm tiếp giáp giữa phút giây xuất ra buổi tọa thiền và thể nhập trở lại đời sống thì thật sự là một bước nhảy thật dài. Thông thường thì rất dài đối với phần lớn trong chúng ta. Chúng ta thấy ra sự êm ả và khả năng tập trung bốc hơi nhanh trong vòng vài phút, để lại cho ta một trạng thái thậm chí còn tệ hại hơn trước khi nhập thiền nữa kia. Để bắt cầu qua cái vịnh này, đức Phật đã sáng chế ra những phương pháp thực tập nhằm vào mục đích làm cho dễ dàng hơn bước chuyển đổi này.
1. Thiền hành (Kinh hành)
Đời sống trong ngày của chúng ta đầy dẫy những sinh hoạt và di chuyển. Ngồi bất động hoàn toàn qua nhiều giờ chừng như là trái nghịch lại hẳn với kinh nghiệm bình thường. Nét tĩnh lặng và trong sáng mà chúng ta nuôi dưỡng trong trạng thái yên tĩnh tuyệt đối có chiều hướng phân hóa ngay trong lúc chúng ta bắt đầu di động. Chúng ta cần vài bài tập ứng dụng trong quá trình chuyển đổi, để dạy cho mình khả năng bảo tồn sự trầm ổn và chú tâm ngay trong cơn chuyển động. Thiền hành giúp cho ta biến chuyển đời sống hàng ngày vào dạng của sự nghĩ ngơi. Thiền hành thường được dùng thay thế cho tọa thiền. Đi đứng là một điều đặt biệt tốt vào những lúc bạn bị cực kỳ dao động. Một giờ thiền hành thường giải tỏa cho bạn những năng lượng không thể kềm chế kia, mà vẫn sản sinh ra một tầm mức trong sáng đáng kể. Để rồi bạn sau đó tọa thiền với những lợi ích to lớn hơn.
Những phật tử thuần túy luôn ủng hộ những khóa tu học thường xuyên để bổ xung cho những buổi tọa thiền hàng ngày. Một khóa tu thì tương đối dài mà phần lớn thời gian dành riêng cho tọa thiền. Những khóa tu một hay hai ngày thì rất là phổ thông cho những phật tử cư sĩ. Những hành giả thâm niên sống trong thiền viện có thể bỏ ra hàng nhiều tháng để chuyên tu thiền chứ không làm gì khác. Phương phác tu tập khắc khe như thế đòi hỏi một nghị lực rất cao nơi thân và tâm của hành giả. Ngoại trừ khi bạn đã tu tập qua nhiều năm, bằng không thì nên có sự giới hạn thời gian bao lâu cho buổi tọa thiền có kết quả tốt nhất. Mười giờ liên tục trong thế ngồi, sẽ tạo ra một trạng thái thống khổ vô cùng tận cho những thiền sinh mới vì nó vượt quá xa khả năng tập trung của họ. Do đó, một khóa tu có kết quả tốt phải được điều khiển với sự kết hợp giữa ngồi và đi đứng, được sắp xếp sen vào lẫn nhau. Một giờ cho mỗi phương pháp thì hay được áp dụng.
Đi kinh hành, bạn cần một nơi yên tĩnh, có không gian đủ rộng cho khoảng năm cho tới mười bước đi thẳng. Bạn sẽ bước tới lui thật chậm, mà trong tầm mắt người phương Tây thì bạn là kẻ lạ lùng hoàn toàn khác hẳn với những người bình thường. Đây không phải là bài huấn luyện mà bạn muốn làm trước sân nhà, nơi mà gây ra những sự chú ý không cần thiết. Hãy chọn nơi riêng biệt.
Cách chỉ dẫn thì rất đơn giản. Chọn một nơi thoáng. Ở một khởi điểm, đứng yên với đầy sự chú tâm trong một phút. Hai tay có thể giữ ở vị thế thoải mái cho mình — phía trước, phía sau, hay thả xuống hai bên. Kế đó, trong khi hít vào, nhấc gót một chân. Trong khi thở ra, nghỉ chân đó trên các ngón chân. Rồi khi hít vào, giở chân đó lên và đưa nó về phía trước. Kế tiếp, thở ra trong khi đặt chân đó xuống chạm mặt đất. Lập lại cho chân bên kia. Đi thật chậm cho tới cuối con đường, đứng yên một phút, xoay ngược lại thật chậm, đứng yên một phút, rồi đi trở lại. Cứ thế mà tuần tự đi. Giữ cổ và đầu được thư thả; mắt mở và thăng bằng đừng nhìn dáo dác hay đặt biệt dán mắt vào một điểm nào. Bước thật tự nhiên. Duy trì tốc độ chậm nhất để có được thanh thản và đừng để ý vào quang cảnh chung quanh. Xem xét sự căng thẳng tăng dần ở thân, và nới lỏng khi cảm nhận ra chúng. Đừng cố gắng làm ra vẻ lịch sự, hay ra dáng hoàn mỹ. Đây không phải là bài biểu diễn vận động hay một điệu vũ, mà là một bài thực tập trong tỉnh giác. Đối tượng của bạn là đạt đến sự cảnh giác toàn diện, cảm giác bén nhạy và cao độ để đừng bị khuất lấp những kinh nghiệm từ sự di chuyển của bước đi. Đặt hết tất cả sự chú tâm vào cảm giác bắt nguồn từ chân và bàn chân, ghi nhận càng nhiều càng tốt về sự chuyển động của mỗi chân. Thấm nhuần vào cảm giác đơn thuần của bước đi, và cảm nhận các xúc cảm vi tế trong từng chuyển động. Cố gắng cảm giác từng cơ bắp lúc di động, kinh nghiệm từng chút thay đổi cảm xúc lúc bàn chân chạm xuống mặt đất và dở khỏi mặt đất.
Ghi nhận cả một tiến trình đi, liên tục như là chuỗi đúc kết của những rung động nhỏ nối lại. Cố gắng đừng bỏ qua bất cứ gì. Để cảm giác được cao độ, bạn có thể chia sự chuyển động ra nhiều phần khác biệt. Mỗi chân sẽ diễn qua những gian đoạn: nhấc lên, đưa tới, và đặt xuống. Mỗi phần nhỏ riêng biệt này đều có bắt đầu, giữa, và cuối. Để điều chỉnh bản thân vào trong tiến trình của chuỗi di chuyển, bạn có thể lập niệm rõ ràng cho từng giai đoạn.
Lập nên những ghi chú như “nhấc, đưa tới, đặt xuống, chạm đất, đạp” v.v.. Đây là phương cách tu tập để làm quen với dòng chuyển động và không để cho bạn bỏ xót những chi tiết. Bao giờ trở nên cảnh giác hơn về hằng hà sa số sự biến vi tế đang xảy ra, bạn sẽ không có thời gian cho những từ ngữ nữa. Bạn sẽ thấy mình chìm đắm trong dòng chảy liên tục của sự chuyển động có tỉnh giác. Hai chân bấy giờ sẽ trở thành cả một thế giới. Nếu tâm đi lang thang thì hãy ghi nhận sự xao lãng theo cách thường hay làm, rồi mang sự chú tâm về bước đi. Đừng bao giờ nhìn vào hai chân trong khi quan sát những giai đoạn này và cũng đừng đi thụt lùi để xem cái tâm ảnh của chân và bàn chân. Đừng nghĩ mà chỉ cảm giác thôi. Bạn không cần khái niệm về chân hay hình tượng, mà chỉ để ý cảm xúc khi chúng vận chuyển. Lúc ban đầu, có lẽ bạn sẽ gặp khó khăn để giữ thăng bằng. Bạn đang dùng các cơ bắp ở chân theo một lề lối mới, và trong lúc thực tập thì luôn là thế. Nếu sự chán nản phát sinh, chỉ ghi nhận và buông xả nó.
Thiền hành được dùng để làm cho tràn ngập Ý thức bằng cảm giác đơn thuần, và làm một cách hoàn hảo cho đến khi nào, tất cả những thứ khác bị bỏ quên qua một bên. Không còn có chỗ cho tư tưởng và tình cảm xen vào. Không có thời gian cho chấp thủ, hay làm dừng lại sự tu tập để nhường cho những chuỗi khái niệm phát sinh. Cũng không cần sự giám định hay phê phán của một cái ngã. Chỉ duy nhất tồn tại cái cảm giác do động lực và xúc chạm, một chuỗi kinh nghiệm thô cứng không ngừng và luôn biến đổi. Chúng ta học ở đây, cách vượt thoát khái niệm để đi vào trong sự thật, chứ không phải rời xa nó. Sự thấu hiểu bên trong những gì chúng ta đạt được sẽ áp dụng trực tiếp vào suốt phần đời còn lại sau này.
2. Tư thế
Mục đích của sự tu tập là trở nên hoàn toàn chú tâm về mọi mặt của kinh nghiệm, mà không bị gián đoạn theo dòng thời gian. Tất cả những gì chúng ta làm và kinh nghiệm thì hoàn toàn không có ý thức, mà chỉ có một chút hay không có sự chú tâm gì cả; tâm của chúng ta thì đang ở với những thứ khác. Chúng ta sống theo chiều hướng, hoang phí gần hết thời gian trong trạng thái thụ động, lạc lõng trong sương mù của giấc mơ ngày và mất tự chủ. Cho nên, sự tu tập thì rất cần thiết cho chúng ta.
Một trong những lãnh vực đời sống mà chúng ta thường hay làm ngơ, là thân thể của mình. Những chuyện phim hoạt họa (ước mơ) diễn ra không ngừng trong đầu thì quá lôi cuốn, hấp dẫn đến nỗi chúng ta không còn để tâm đến sự nhận biết về cảm xúc và lực tác động bên trong. Những dữ liệu đó túa vô hệ thần kinh đi vào bộ não từng giây, nhưng chúng ta ngăn chặn và giữ nó trong Ý thức, cho nên nó chạy vào những tầng cấp thấp hơn trong tâm và ở đó, không thể đi xa hơn. Phật giáo đã thiết lập ra bài ứng dụng để mở cái cổng ngăn nước (dữ liệu) này và cho những dữ liệu đi xuyên qua tâm thức. Đó là một phương thức để có “sự nhận biết vô ý thức.”
Thân thể của chúng ta chịu đựng qua không biết là bao nhiêu là áp lực sinh lý trong từng ngày. Lúc đứng, lúc ngồi, khi đi, khi nằm; rồi có lúc uốn cong, chạy nhảy, trườn bò.. Những vị giáo thọ tha thiết khuyên bạn nên nhận biết sự biến chuyển liên tục, không ngừng này. Trong lúc sinh hoạt trong ngày, bạn nên dành vài giây trong đôi phút để xem xét tư thế của thân. Nhưng đừng làm thế theo một lề lối để giám định (đánh giá xem mình đang như thế nào?); đây không phải là bài thực tập để sửa chữa bộ vị cho thân, hay để làm cho tốt hơn cái thể hiện bên ngoài. Đưa sự chú tâm đi toàn bộ cơ thể để cảm giác xem mình đang ở trong trạng thái ra sao (có chánh niệm hay không?). Âm thầm ghi nhận “đi”, “ngồi”, “đang nằm”, hay “đang đứng.” Nghe qua dường như rất là ngớ ngẫn nhưng xin đừng xem nhẹ phương pháp này. Đây là một bài thực hành có giá trị rất quan trọng. Nếu bạn sử dụng nó tốt đẹp, thật sự thấm nhuần thói quen này sâu sắc, nó có thể cách mạng hóa kinh nghiệm của bạn. Nó sẽ đưa bạn vào một chiều không gian mới của cảm giác, rồi bạn sẽ cảm thấy rằng mình như là một người đã bị mù, giờ có lại được khả năng thấy vậy.
3. Sinh hoạt chậm lại
Mỗi hành động mà bạn làm đều cấu tạo bởi nhiều phần nhỏ nối lại. Chỉ một việc cột giây giày thì đã được tạo bởi một chuỗi động tác nhỏ liên tục nhau. Những chi tiết này chừng như không thể nào quan sát hết được. Để khích lệ cái thói quen kết lập chánh niệm toàn diện, bạn có thể thực hiện những hoạt động ở vận tốc chậm lại — cố gắng có đầy đủ chú tâm tới những động tác tầm thường nhất.
Ngồi nơi bàn để uống một ly trà là một ví dụ. Có rất nhiều thứ để kinh nghiệm ở đây. Quan sát cẩn thận xem tư thế của mình trong khi ngồi và cảm xúc của những ngón tay đang cầm cái tách. Ngửi cái hương thơm của trà, ghi nhận cái chỗ để cái tách, lá trà, cánh tay của mình, và cái bàn. Xem xét cái ý định đưa tay lên trong tâm, cảm giác cánh tay khi nó nhấc lên, cảm cái miệng tách tiếp xúc với môi và nước trà chạy vào trong miệng. Nếm vị trà, rồi xem nghiệm cái ý định khởi sinh muốn hạ cánh tay xuống. Toàn bộ tiến trình thì thật là quyến rũ và đẹp tuyệt vời, nếu bạn quan tâm toàn bộ tới nó, chú ý khách quan tới mỗi cảm giác, luồng tư tưởng và tình cảm, thì sẽ thấy ra được.
Chiến lược này có thể dùng vào những hoạt động khác trong ngày. Một cách cố ý, làm chậm lại suy nghĩ, lời nói, và động tác để cho mình có đủ thời gian thâm nhập sâu vào chúng hơn là trước đây. Những gì bạn tìm thấy ra là sẽ rất ư là kinh ngạc. Lúc đầu, thật khó khăn giữ mọi hoạt động thật chậm một cách có chủ tâm thường xuyên, nhưng kỹ năng này sẽ tăng dần theo thời gian. Sự hiểu rõ sâu xa xảy ra trong tọa thiền, sẽ được bộc lộ rõ ra trong lúc chúng ta thật sự kiểm nghiệm những hoạt động trong tâm ngay trong đời sống hàng ngày. Đây là một cái phòng thí nghiệm nơi mà chúng ta thật sự thấy bộ máy cấu tạo ra tình cảm và sự vận hành của cảm xúc mạnh mẽ mình có. Đây là nơi chúng ta có thể đo lường mức độ tin cậy cái nguyên nhân của hành động, chỉ một chớp mắt khác biệt giữa động cơ thật sự và cái vỏ giả vờ mà chúng ta từng mang để tự lừa dối mình và người khác.
Chúng ta sẽ lấy làm kinh ngạc về những dữ kiện này, phần lớn thì phiền phức nhưng lại rất ích lợi. Sự chú tâm đơn thuần mang trật tự vào khối hỗn độn đã được gom góp, giấu diếm không ngăn nắp trong góc nhỏ của tâm. Khi đạt đến khả năng lãnh hội rõ ràng ngay giữa cơn sinh hoạt bình thường của đời sống, bạn có được kỹ năng giữ vững sự tỉnh táo, bình an cùng lúc rọi ánh sáng chánh niệm vào những xó xỉnh khắp nơi trong tâm. Bạn bắt đầu thấy được tầm mức khổ đau trong phạm vi khả năng trách nhiệm của mình; thấy ra điều bất hạnh, nỗi lo sợ, sự căng thẳng tự mình đã gây ra; thấy được thế nào mình đã tạo ra nỗi khổ, nhược điểm, và giới hạn cho mình. Rồi sự hiểu biết quá trình tâm tạo này sâu xa bao nhiêu, thì nó khống chế bạn càng ít bấy nhiêu.
4. Điều hợp hơi thở
Trong tọa thiền, đề mục quan trọng nhất chính là hơi thở. Sự tập trung trọn vẹn vào hơi thở luôn thay đổi giữ chúng ta đối diện ngay với phút giây hiện tại. Nguyên lý này cũng có thể dùng ngay giữa cơn di chuyển. Bạn có thể kết hợp sinh hoạt vào với hơi thở. Việc này củng cố tiết tấu nhịp nhàng cho cử động và làm lưu loát những biến đổi rời rạc. Hành động trở nên dễ dàng tập trung hơn và chánh niệm gia tăng. Sự tỉnh giác của bạn do vậy ở lại với phút giây hiện tại dễ hơn. Một cách lý tưởng nhất là, tu thiền là sự tu tập cho 24 giờ trong một ngày. Đây là một đề nghị thực tiễn cao tột.
Chánh niệm là trạng thái tâm nhiệt tình. Tâm không bị nặng trĩu bởi sự ưu tư hay nhảy loạn trong lo âu. Những gì phát sinh có thể thỏa hợp tức khắc. Khi thật sự chánh niệm, hệ thống thần kinh của bạn rất tươi mới và dẽo dai để nuôi dưỡng trí tuệ. Một vấn đề nổi lên thì bạn chỉ đơn giản hòa hợp với nó một cách nhanh nhẹn, thích đáng, với sự náo động nhỏ nhất. Bạn không bị ngần ngừ, không chạy trốn vào một góc vắng nào đó để có thể trầm tư về nó. Mà chỉ đơn giản đối diện nó. Trong những trường hợp hiếm có khi mà giải pháp cho vấn đề chừng như không thể nào, thì bạn sẽ không lo lắng về nó. Bạn chỉ đi qua vấn đề kế tiếp đang cần sự chú tâm của bạn. Trực giác của bạn trở thành một tính năng rất thực dụng.
5. Thời gian đã đánh mất
Hoang phí thời gian là quan niệm vốn không tồn tại đối với một thiền giả nghiêm chỉnh. Một chút thời gian chết trong ngày có thể trở nên hữu ích. Bất kỳ phút giây rãnh rỗi nào cũng có thể dùng cho tu thiền. Ngồi một cách lo âu trong phòng nha sĩ, thì hãy tu tập nỗi lo âu kia. Khi cảm thấy bực bội trong lúc đứng đợi ở nhà ngân hàng, thì hãy tu tập ở sự bực bội ấy. Nhàm chán, mân mê ngón tay cái ở trạm xe buýt, thì tu tập sự nhàm chán đó. Cố gắng giữ cảnh giác và chú tâm suốt cả ngày. Chánh niệm chính xác ngay những gì đang xảy ra bây giờ, ngay cả cơn vất vả tẽ nhạt. Tận dụng mỗi phút giây trong lúc một mình, hay những sinh hoạt nặng tính sinh thể, dùng mỗi phút giây rỗi rãnh cho chánh niệm, tận dụng tất cả thời gian nếu có thể.
6. Tập trung vào mọi sinh hoạt
Bạn nên cố gắng duy trì chánh niệm trong từng hoạt động và nhận thức suốt cả ngày, bắt đầu từ nhận thức đầu tiên khi thức giấc cho đến ý niệm sau cùng trước khi đi vào giấc ngủ. Đây là một mục tiêu tối cao có thể đưa ra. Đừng bao giờ kỳ vọng là có thể hoàn thành công việc này nhanh chóng. Hãy đi từ từ và để cho khả năng của bạn phát triển dần theo thời gian. Phương cách hợp lý nhất để thực hành việc này, là phân chia một ngày đời sống của mình ra thành nhiều phần. Dung hòa những khoảng thời gian nhất định với chánh niệm, rồi nới rộng trạng thái chánh niệm này tới những hoạt động khác như: ăn uống, rữa bát dĩa, mặc y phục, v.v.. Thỉnh thoảng trong ngày, bạn bỏ ra khoảng chừng 15 phút để thực hành sự quan sát về một vài trạng thái cụ thể của tâm như: dễ chịu, khó chịu, và cảm giác trung tính chẳng hạn như những chướng ngại (Tham dục, Sân hận, Hôn trầm, Trạo cử, và Mạn nghi) hay là tư tưởng. Thường trình thì tùy thuộc vào bạn. Ý định là tu tập để phát hiện những sự việc khác nhau, và bảo tồn trạng thái chánh niệm càng nhiều càng tốt trong suốt ngày đó.
Cố gắng hoàn thành theo thường lệ mà không thấy mấy khác biệt giữa tọa thiền và những kinh nghiệm còn lại. Để cho chúng hòa lẫn vào nhau. Thân thể của bạn gần như không bao giờ yên, lúc nào cũng có cử động để quan sát, ít nhất là đang thở. Tâm của bạn không ngừng líu lo, chỉ ngoại trừ khi trong trạng thái định thâm sâu. Luôn luôn có gì đó xuất hiện để ta quan sát. Nếu nghiêm chỉnh ứng dụng pháp tu của mình, bạn sẽ không đánh mất những giá trị mà sự tỉnh giác mang đến.
Sự tu tập của bạn phải được áp dụng vào hoàn cảnh sống hàng ngày, đây mới là phòng thí nghiệm cho bạn. Đời sống cung cấp những cuộc trắc nghiệm khả năng và thử thách cho bạn đang cần để thực hành sâu hơn, chân chính hơn. Nó là ngọn lửa dùng để tinh lọc những sự dối lừa, sai trái trên đường tu của bạn, là một loại a-cít để thử nghiệm xem bạn đã đến đâu rồi và khi nào là lúc bạn đang tự lừa dối lấy mình. Nếu tu thiền không giúp được cho bạn đương đầu với những xung đột, vẫy vùng trong đời sống, thì nó vẫn còn nông cạn. Nếu những phản ứng tình cảm từng ngày không rõ ràng ra và không dễ chế ngự hơn, thì bạn đang hoang phí thời gian của mình trong khi tu tập (thực hành không đúng cách). Bạn không bao giờ biết mình tiến bộ tới đâu chỉ khi nào bạn thật sự gặp thử thách trong đời sống.
Tu tập chánh niệm đúng là sự thực hành thông dụng. Bạn không thỉnh thoảng thực tập, rồi bỏ nó qua một bên trong khoảng thời gian còn lại, mà là thực hiện nó liên tục trong mọi thời. Tu thiền thành công chỉ khi nào bạn mở bùng cái bức tường chống âm thanh chưa được phát triển đầy đủ. Tu tuệ giác là thực hành chánh niệm trong mỗi phút giây. Thiền giả học cách lập sự chú tâm tinh thuần tới sinh, trụ, hoại, diệt của tất cả hiện tượng trong tâm, không bị bất kỳ thứ nào trói buộc hay vượt thoát khỏi sự quan sát của mình. Tư tưởng, tình cảm, sinh hoạt và tham muốn, toàn bộ cuộc trình diễn, thiền giả coi chừng nó, tất cả và liên tục. Vấn đề là nó đáng yêu hay đáng sợ, đẹp đẽ hay đáng hổ thẹn. Thiền giả nhìn như-nó-là và sự thay đổi như-nó-là; không có một phương diện kinh nghiệm nào bị bỏ qua hay tránh né. Đây là một tiến trình diễn ra liên tục và toàn diện.
Trong những sinh hoạt hàng ngày, nếu bạn thấy mình đang bị rơi vào trạng thái nhàm chán, thì hãy tu tập vào sự nhàm chán đó. Tìm xem nó cảm giác ra sao, hoạt động ra sao, và cấu tạo ra như thế nào. Nếu bạn lên cơn giận, thì quan sát cơn giận, khám phá cái cấu thể của cơn giận; đừng chạy trốn nó. Nếu thấy ra mình đang ngồi trong gọng kềm đen tối của sự phiền muộn, thì hãy khám xét sự phiền muộn kia đi; thẩm tra nó theo chiều hướng có tính quan sát và buông xả. Đừng chạy thoát khỏi nó một cách mù quáng; khám phá cả mê cung kia và vẽ ra tất cả những lối đi trong đó. Bằng cách đó bạn sẽ có sự trang bị tốt hơn khi đối đầu với những cơn phiền muộn sẽ xuất hiện sau này.
Tu tập xuyên qua những thăng trầm của đời sống là quan điểm trọng yếu của thiền Minh Sát. Loại tu tập này rất ư là nghiêm khắc và đòi hỏi cao, nhưng cũng mang lại kết quả là trạng thái tâm linh hoạt vượt xa hẳn bên kia vùng tương đối nhị nguyên. Thiền giả có cái tâm cởi mở trong từng phút giây, không ngừng xem xét đời sống, giám sát kinh nghiệm bản thân, ngắm nhìn lối sống theo một phong cách không luyến chấp và tọc mạch. Vì thế cho nên, thiền giả luôn luôn cởi lòng ra tới bất kể thể dạng sự thật nào, từ bất kỳ nơi đâu, và bất cứ thời gian nào. Đây là trạng thái tâm mà một người cần phải có để đi đến sự giải thoát.
Như đã được nhắc qua, một người có thể đạt đến sự giác ngộ ở bất kỳ phút giây nào nếu tâm được giữ luôn trong trạng thái tỉnh thức. Bất kỳ một nhận thức thông thường bé nhỏ cũng có thể là nguyên nhân kích thích: nhìn mặt trăng, tiếng kêu của một con chim, tiếng gió luồn qua cây; bất cứ gì đều không quan trọng, mà chính là cái phong thái bạn đang chú ý tới sự hiểu biết sâu sắc đó. Trạng thái tâm tỉnh thức thì rất quan trọng. Nó có thể xảy ra ngay bây giờ nếu bạn đã sẵn sàng. Cái cảm xúc của những ngón tay đang cầm quyển sách này cũng có thể là tín hiệu; thanh âm của những từ ngữ trong đầu bạn cũng đủ làm phát sinh sự giác ngộ. Bạn có thể đạt đến sự giác ngộ ngay bây giờ nếu bạn đã sẵn sàng.
Nguồn: https://thuvienhoasen.org/a8264/chuong-15-tu-thien-trong-doi-song-hang-ngay
CHÁNH NIỆM CƠ BẢN
Thiền sư: Henepola Gunaratana
Dịch Việt: Lương Thanh Bình
Chương 15: Tu thiền trong đời sống hàng ngày