Chùm ngây - Moringa Oleifera Lam., thuộc họ chùm ngây, là cây nguyên sản ở Ấn Độ, được trồng ở nhiều nước nhiệt đới.
Ở nước ta cây được trồng ở các tỉnh phía Nam từ Quảng Nam, Đà Nẵng, qua các tỉnh Nam Trung Bộ đến tận Kiên Giang (Phú Quốc), trong các vườn gia đình làm rau ăn, thu hái quanh năm.
Dược thiện từ lá cây chùm ngây có tính kích thích tiêu hóa, lợi tiểu. Rễ là một bộ phận được sử dụng làm thuốc ở nhiều nước. Tại Ấn Độ, rễ được dùng như là chất kích thích trong các cơn đau do bị liệt và sốt từng cơn, dùng trong động kinh, là chất chuyển máu (hoạt huyết) trong bệnh liệt và thấp khớp mạn tính, như là trợ tim và bổ cho tuần hoàn; cũng dùng chế dạng rượu thuốc thường dùng trong khi ngất, choáng váng, suy nhược thần kinh, đau co thắt ruột và đầy hơi. Vỏ rễ dùng như thuốc chườm nóng làm dịu cơn co thắt. Ở Campuchia, vỏ cây được dùng làm thuốc cho phụ nữ sau khi sinh uống để chóng lại sức. Ở Thái Lan, vỏ thân được dùng làm thuốc thông hơi (phá khí). Quả được dùng trị bệnh đau gan và tỳ, đau khớp, sài uốn ván và chứng liệt. Hạt dùng trị bệnh ngoài da; dầu từ hạt dùng đắp ngoài trị bệnh thấp khớp. Nhựa cây chùm ngây dùng chữa đau răng, phối hợp với dầu vừng làm thuốc nhỏ tai trị đau tai.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong 100g lá chùm ngây non còn tươi có 6,35g chất đạm, 1,7g chất béo, 8g bột đường, 1,9g chất xơ, 3,75g chất khoáng (trong đó phốtpho 50mg, kali 216mg, canxi 122mg, magne 123mg, đồng 0,1mg, sắt 16 g, caroten 6.250 UI), các vitamin B1 0,2mg, B2 0,21mg, PP 2,25mg và C 110 - 220mg. Như vậy lá chùm ngây non là loại rau giàu dưỡng chất.
Các bộ phận của cây chứa nhiều khoáng chất, giàu chất đạm, vitamin, beta-caroten, axit amin và nhiều hợp chất phenol. Cây chùm ngây cung cấp một hỗn hợp gồm nhiều hợp chất quý hiếm như zeatin, quercetin, alpha-sitosterol, caffeoylquinic axít và kaempferol.
Lá và hoa còn tươi của cây chùm ngây có chứa vitamin C nhiều hơn trái cam 7 lần, canxi nhiều hơn 4 lần và protein gấp 2 lần so với sữa, vitamin A gấp 4 lần so với cà rốt, kali gấp 3 lần chuối.
Trị tăng cholesterol, tăng lipid máu, tăng triglycerid, làm giảm axit uric, ngăn ngừa sỏi oxalat: rễ chùm ngây tươi 100g (30g khô) rửa sạch, nấu với 1 lít nước sôi 15 phút. Uống thay trà trong ngày.
Giúp ổn định huyết áp và đường huyết, bảo vệ gan, trị suy nhược: Lá chùm ngây non 150g rửa sạch, giã nát, thêm 300 ml nước sạch, lọc lấy nước cốt (hoặc dùng máy xay sinh tố) thêm mật ong, trộn đều, chia uống 3 lần trong ngày.
Trị u xơ tiền liệt tuyến: Rễ chùm ngây tươi 100g (khô 30g), lá trinh nữ hoàng cung tươi 80g (khô 20g). Nấu với 2 lít nước còn lại 500ml. Chia làm 3 lần, uống trong ngày.
Hoặc dùng bài: Chùm ngây tươi đã có hột già. Lấy hột giã nát quấy đều 5 phút với 3 lít nước. Để lắng 2 giờ thì có nước trong dùng được.
Thuốc ngừa thai của dân tộc Raglay: cứ 5 ngày thì dùng 2 nắm rễ cây chùm ngây còn tươi (150g) rửa sạch băm nhỏ nấu với 2 lít nước còn nửa lít thuốc chia uống 2 lần trong ngày.
Các món canh: Lá chùm ngây non rửa sạch, cắt nhỏ, nấu canh với tôm, cá, thịt nạc... nêm gia vị vừa đủ, rau chín tới.
Trộn dầu giấm: Lá chùm ngây non và đọt non vừa đủ dùng, rửa sạch. Có thể thêm cà chua bi và hành tây trộn với dầu giấm, gia vị, tiêu, đường.
Lưu ý: Phụ nữ có thai không được dùng cây chùm ngây.
DS. Nguyễn Thị Hồng
(Theo suckhoedoisong.vn)