Thiền Giác Ngộ

Cách nay hơn 2600 năm tại Ấn Độ, Đức Phật-Người đầu tiên trên hành tinh này–sau 49 ngày đêm thiền định đã tự mình chứng ngộ, thấy được lý bất sinh bất diệt trong thế giới hiện tượng của vô thường, sinh diệt. Và ngài đã bắt đầu thuyết pháp độ sanh giúp chúng sinh vượt qua cơn mê và thoát khỏi khổ đau của vòng luân hồi sinh tử.

Có thể nói thiền định là pháp môn căn bản của Phật giáo. Chính trong giáo pháp này con người đã tìm lại được con người đích thật của mình. Đức Phật nói, trong cái thân có mấy tấc này thôi mà ta có thể đi đến tận cùng thế giới.

Thế giới ngày nay khi đang phải đối mặt với nhiều khủng hoảng trên nhiều lĩnh vực của đời sống người ta đã và đang quan tâm đến pháp môn thiền định của Phật giáo. Dưới góc độ của khoa học người ta chỉ mới thấy lợi ích của thiền định về mặt sức khoẻ hay thể xác mà thôi. Nhưng thiền định nhắm đến mục đích xa hơn, đó là Giác ngộ.

I.LỢI ÍCH CỦA THIỀN

1.Đức Phật

• “Gahanam h’etam Pessa yadidam manussà, uttànakam h’etam Pessa yadidam pasavo”   (Này Pessa, rối ren thay như loài người! Cởi mở thay, này Pessa, như loài vật),

• “Sannipatitànam vo bhikkhave dvayam karanìyam, Dhammì và kathà, ariyo và tunhìbhàvo.”  (Này các tỷ kheo, khi các ngươi hội họp lại, thời có hai việc phải làm: một là đàm luận về pháp, hai là giữ sự im lặng của bậc thánh).

• “Etàni bhikkhave rukkhamùlàni etàni suññā gārāni. Jhāyatha bhikkhave ma pamādartha. Mā pacchā vippatisārino ahuvatthe. Kyam vo amhākam anusāsanīti.”  (Này các tỷ kheo, hãy tu thiền, chớ có phóng dật. Chớ có sanh lòng hối hận về sau! Đây là lời giáo giới của ta cho các ngươi).

• “Đây là con đường độc nhất (Eko Maggo) đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu vi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu Chánh lý, chứng ngộ Niết bàn. Đó là Bốn niệm xứ..”

• “Này các tỷ kheo, định niệm hơi thở vô, hơi thở ra này được tu tập, được làm cho sung mãn là tịch tịnh, thù diệu, thuần nhất, lạc trú, làm cho các ác, bất thiện pháp đã sanh hay chưa sanh, làm chúng biến mất, tịnh chỉ lập tức.”

• “Này các tỷ kheo, ta trước khi giác ngộ, chưa chứng chánh đẳng giác, khi còn là bồ tát, ta trú nhiều với niệm hơi thở vô hơi thở ra, nên thân ta và con mắt của ta không có mệt nhọc, và tâm ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc.”

• “Và này Ànanda, ở đời, vị tỷ kheo quán thân trên thân, nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời, quán thọ trên các cảm thọ… quán tâm trên tâm.. quán pháp trên các pháp nhiếp phục tham ưu ở đời. Này Ànanda, như vậy vị tỷ kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình y tựa chính mình, không y tựa một gì khác, dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác…, những vị ấy, này Ànanda, là những vị tối thượng trong hàng tỷ kheo của ta.”

2. Khoa học :

Âu Mỹ mới đi sâu nghiên cứu về thiền chừng khoảng hơn nửa thế kỷ nay (Vakil, 1950), nhưng chỉ 30 năm gần đây thì thiền mới được coi là một phương pháp trị liệu khoa học trong y học (Craven. 1980; Haarmon & Myers 1999). Cũng đã có những nghiên cứu so sánh các kỹ thuật thiền (Woolfolk, 1975).

Những nghiên cứu về sinh lý học giúp thiền ngày càng đựơc hiểu rõ hơn… Hành giả có thể giảm đến 40% nhu cầu oxy và giảm 50% nhịp thở trong lúc thiền. Lúc đầu các nhà khoa học nghĩ rằng thiền cũng giống như giấc ngủ hay nghỉ ngơi tích cực, nhưng qua các nghiên cứu cho thấy thiền khác hẳn, thực sự là một trạng thái tỉnh giác, ở mức tiêu thụ năng lượng thấp nhất tùy trình độ hành giả!

Ở những hành giả thực hành thiền dài khoảng 30 – 40 phút thấy mức lactate trong động mạch giảm (Wilson, 1987), phenylalanine tăng 20% (Jevning, 1977), hoạt động hệ giao cảm giảm trên bề mặt da và nhịp tim cũng giảm đáng kể (Cuthbert, 1981).

Về nội tiết, thấy giảm cortisol (hormone chủ yếu của stress) và ACTH (Bevan, 1980; Kamei, 2000); TSH, GH cũng giảm, trong khi đó arginine vasopressin, được coi là có vai trò trong học tập và trí nhớ lại gia tăng đáng kể (O’Haslloran, 1985).

Hiện ngày càng có nhiều nghiên cứu về beta-endorphin, corticotropin, (Harte, 1995) melatonin (Massion, 1995), DHEA (Glaser, 1992) hứa hẹn giải thích cơ chế tác dụng của thiền trên nhiều mặt về y sinh học…

Hoạt động điện não đồ EEG cho thấy thiền có sự khác biệt với nghỉ và ngủ ( Herbert, 1977). Nhờ những tiến bộ về kỹ thuật thăm dò chức năng não bộ như PET (positron emission tomography) và nhất là fMRI (functional magnetic resonance imaging) đo lượng tưới máu não, cho thấy ở thiền giả một số vùng não được tưới nhiều hơn vùng khác, chứng tỏ thiền không phải là giấc ngủ, trái lại là một trạng thái an tịnh tỉnh giác (state of restful alertness).

Kỹ thuật FMRI có khả năng chụp cắt lớp từng giây, nên khá chính xác (Lazer, et al., 2000) cho thấy hoạt động tưới máu não gia tăng ở vùng liên quan đến sự chú ý, vùng kiểm soát tự động, vùng  tỉnh thức. Nhưng nói chung, tưới máu não trong thời gian hành thiền rõ ràng là giảm một cách đáng kể, chỉ tập trung vào một số vùng nhất định như đã nêu trên.

Điều này cho thấy thiền giả không tiêu hao nhiều năng lượng cho các hoạt động của vỏ não. Các nghiên cứu về sinh lý học trong thiền vẫn còn đang tiếp diễn. Thế nhưng đã chứng minh được thiền có khả năng làm giảm stress, cao huyết áp, tạo sự sảng khoái, yếu tố của sức khỏe, của chất lượng cuộc sống.

Đại học Y khoa  Harvard ước lượng có khoảng 60 – 90% bệnh nhân đến bác sĩ là do stress. Stress liên quan đến rất nhiều bệnh lý như nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, tiểu đường, suyễn, đau nhức kinh niên, mất ngủ, dị ứng, nhức đầu, đau thắt lưng, một số bệnh ngoài da, ung thư, tai nạn thương tích, tự tử, trầm cảm, giảm miễn dịch…

Stress gây tăng cholesterol cao hơn thức ăn (Rosenman, 1993). Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, nạn thất nghiệp, người làm việc những ở khu vực dễ bị sa thải thì chết vi bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não cao gấp đôi các khu vực khác (Chandola, 2006).

Stress là nguyên nhân của 50% các bệnh nhân mất ngủ, dẫn tới những vấn đề sức khỏe tâm thần. Stress cũng gây 19% vắng mặt nơi làm việc, 40% bỏ việc, 60% tai nạn xảy ra nơi làm việc. Theo một thống kê của cơ quan bảo hiểm y tế, thiền giúp giảm thời gian nằm viện của bệnh nhân và giảm số lần đi khám bệnh (Orme-Johnson, 1987).

Nghiên cứu đối chứng về cơn đau kinh niên, lo âu, trầm cảm, thiền làm giảm 50% các triệu chứng tâm thần nói chung và giảm 70% triệu chứng lo âu (Roth, 1997).

Hành giả thực hành thiền hơn 5 năm có tuổi già sinh lý trẻ hơn 12 năm so với người cùng tuổi, dựa trên 3 yếu tố là huyết áp, khả năng điều tiết nhìn gần của thị giác và khả năng phân biệt của thính giác.

Một nghiên cứu trên học sinh cấp 2 có thực tập thiền, cho thấy kết quả học tập tốt hơn, có khả năng tập trung, có thói quen làm việc, cải thiện hành vi (xung đột, hung hãn), tăng lòng tự tín, khả năng hợp tác và quan hệ với người khác (Harrison, 2004).

Thiền cũng giúp làm giảm cân, giảm béo phì, nghiện thuốc lá, rượu và các chất ma túy nói chung (Alexander, 1994). Đặc biệt, một nghiên cứu đối chứng ở 44 bệnh viện cho thấy thiền đã giúp làm giảm sai sót chuyên môn y khoa đến 50%, đồng thời cũng làm giảm 70% các vụ khiếu kiện của bệnh nhân đối với bệnh viện (Jones, 1988).

Ở các công nhân kỹ thuật có thực tập thiền trong 8 tuần cho thấy họ làm việc phấn khởi hơn, thích thú hơn, nhiệt tâm hơn, giảm thiểu các bệnh cảm cúm thường gặp trong khi nhóm chứng không có sự thay đổi. Tóm lại, hiệu quả của thiền đã được chứng minh trong nhiều lãnh vực đời sống…

II. THIỀN LÀ GÌ?

Dù gọi là Thiền (Việt) hay Chan (Hoa), Zen ( Nhật)… thì cũng đều có nguồn gốc từ  Dhyāna (Sanskrit) hay Jhāna (Pàli). Theo ngữ nguyên thì Jha là nhìn, là quán sát, là theo dõi và Ana là thở, hơi thở, là khí. Vậy, Jhānahay hay Dhyāna chính là quán sát hơi thở, nhận thức hơi thở.

Thiền trước hết là sự hoà hợp giữa sức mạnh thiên nhiên và sức mạnh nội tâm. Sự trao đổi chất qua hơi thở này có khả năng dinh dưỡng rất cao, giúp con người giảm bịnh tật, thân tâm an lạc.

Thiền là hướng tâm về thiện “vivicca eva kàmehi, vivicca akúalehi dhammehi” (ly dục, ly ác bất thiện pháp). Định nghĩa của Sơ thiền là ly dục, ly ác bất thiện pháp vị ấy chứng và trú thiền thứ nhất một trạng thái hỉ lạc do ly dục sinh.

Thiền là giữ tâm ý trong sạch, thanh tịnh, không có ngã mạn ngay cả đối với các hạnh lành mà mình làm được:

“Sabba papasa aharanam

Kusalassa upasampadà

Sacitta pariyodapanam

Etam Buddhàna sàsaham.”

(Không làm mọi điều ác

Thành tựu các hạnh lành

Giữ tâm ý trong sạch

Ấy lời chư Phật dạy)

Thiền là một sự gạn lọc hay thay đổi tâm lý, hướng đến định lực và giải thoát khỏi phiền não, khổ đau. Một sự thay đổi 5 triền cái làm trở ngại tâm là hôn trầm-thuỵ miên, nghi, sân, trạo hối và tham dục thành 5 thiền chi là những yếu tố tích cực của tâm là tầm, tứ, hỉ, lạc và nhất tâm. Rồi 5 thiền chi này sẽ được loại bỏ dần qua 4 thiền là sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền để còn lại xả là một trạng thái tâm không còn bị lạc và khổ làm giao động và nhất tâm là sự hình thành của định lực. Trạng thái tâm lúc này không còn cấu nhiễm, nhu nhuyến, dễ sử dụng và chói sáng như vàng ròng sau khi được tinh luyện sẽ dễ làm đủ các kiểu trang sức như ý.

III. PHƯƠNG PHÁP HÀNH THIỀN

1. Giai đoạn chuẩn bị, hỗ trợ:

• Một số động tác về thân:

• Giữ gìn giới luật: Giữ giới luật; Hộ trì các căn; Tiết độ trong ăn uống; Chánh niệm các hành vi, cử chỉ của thân.

2. Kỹ thuật ngồi thiền:

a. Điều hoà thân: Ngồi kiết già, lưng thẳng, để niệm trước mặt, lòng bàn tay phải đặt trên lòng bàn tay trái, thả lỏng toàn thân.

b. Điều hoà hơi thở: Thở vô bằng mũi, thở ra bằng mũi một cách tự nhiên, không có nín thở.

c. Điều hoà tâm: Có 2 phần là Chỉ và Quán. Ta có thể áp dụng xen kẻ chỉ và quán trong khi ngồi thiền. Nếu chỉ áp dụng chỉ thôi thì tâm dễ bị hôn trầm và nếu chỉ áp dụng quán thôi thì tâm dễ bị tán loạn. Đức Phật dạy, một người nội trợ khéo tay thi khi xào nấu một món ăn thì người này thường dùng thìa trở qua trở lại món ăn nếu không thì món ăn sẽ bị cháy khét,

– Chỉ là an trú hay cột tâm hay tâm rõ biết hơi thở này vô, hơi thở này ra. Có hai cách an trú tâm vào hơi thở: a) Tâm rõ biết hơi thở trên một đường thẳng từ mũi đến huyệt khí hải, hoặc b) Tâm rõ biết một điểm ở chỗ hai ống mũi mà hơi thở đi qua. Thời gian đầu người ta thường đếm hơi thở từ 01 đến 10 rồi tiếp tục đếm lại từ 01 đến 10. Việc đếm hơi thở này giúp dễ tập trung tư tưởng và tránh được hai chướng ngại là hôn trầm và tán loạn.Trong khi an trú tâm như vậy, nếu có bất kỳ hiện tượng nào như hình bóng, cảm xúc, kỷ niệm, lo âu… hiện ra trong đầu thì cứ để chúng xuất hiện tự nhiên, không đè nén chúng, nhưng ta chớ có khen, chê hay phê phán chúng và hãy quay về an trú và đếm hơi thở. Sự huấn luyện tâm hay thiền chỉ này sẽ đưa đến định lực hay tâm giải thoát,

– Quán là phân tích, xem xét và thâm nhập vào ý nghĩa của 16 đề tài. Thiền quán này sẽ giúp hành giả thành tựu chánh trí hay tuệ giải thoát.

16 ĐỀ TÀI QUÁN TƯỞNG

1. Bốn đề tài về thân (Kāya)

a. Thở vô dài, vị ấy rõ biết tôi thở vô dài

Thở ra dài, vị ấy rõ biết tôi thở ra dài

b. Thở vô ngắn, vị ấy rõ biết tôi thở  vô ngắn

Thở ra ngắn, vị ấy rõ biết tôi thở ra ngắn

c. Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô

Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra

d. An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô

An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra


2. Bốn đề tài về thọ (Vedanā)

a. Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô

Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra

b. Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô

Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra

c. Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô

Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra

d. An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô

An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra


3. Bốn đề tài về tâm (Citta)

a. Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô

Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra

b. Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô

Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra

c. Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở vô

Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra

d. Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô

Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra


4.Bốn đề tài về pháp (Dhamma)

a.Quán vô thường, tôi sẽ thở vô

Quán vô thường, tôi sẽ thở ra

b. Quán ly tham, tôi sẽ thở vô

Quán ly tham, tôi sẽ thở ra

c. Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở vô

Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở ra

d. Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô

Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra

Vì thấy lợi ích của thiền định Phật giáo, nhiều người đã có thể mô phỏng và uốn nắn nó cho phù hợp với truyền thống giáo phái riêng có của mình. Điều này phải cẩn thận vì có thể dẫn đến tai hại. Do vậy, phải hành trì đúng theo những gì đức Phật đã tuyên thuyết.


Kính chúc quý vị thường an lạc.


Thượng tọa Thích Tâm Đức