Phương pháp tọa thiền

Thiền là phương pháp buông xả. Khi hành thiền ta nên buông xả hết những gì thuộc về quá khứ và tất cả những dự định ở tương lai để đạt đến trạng thái an tịnh nội tâm đầy hỷ lạc. Thiền định là con đường dẫn đến tâm thanh tịnh, cái tâm đã được giải thoát khỏi mọi ràng buộc của thế giới, thật hoan hỷ không thể tưởng tượng được. Đó là nguồn hạnh phúc hơn hẳn các dục lạc thế gian.

Mục đích của hành thiền là đạt đến trạng thái tâm tĩnh lặng tuyệt mỹ và cái tâm rỗng lặng, trong sáng, tỉnh thức. Muốn được vậy trong lúc thiền tập ta sẵn sàng buông xả hết mọi thứ, không nắm giữ thứ gì trong tâm ta. Hãy tự hứa với chính mình và thực hành để cảm nhận.

Trong cuộc sống hằng ngày ta luôn bị 6 căn tiếp xúc với 6 cảnh làm tâm ý dễ bị dao động, nổi lên tham, sân, si, buồn giận, thương ghét, phải quấy, ganh tỵ, hơn thua, bất bình, bất mãn,… tiếp nối liên tục không phút giây nào để tâm được bình yên. Tâm là đầu mối của phiền não vô minh và cũng là nguồn cội của niết bàn. Do đó Đức Phật đã dùng phương tiện thiền định để nhiếp tâm chánh niệm, đem tâm về an trú và nhận biết theo từng hơi thở. Phương pháp thiền là một pháp môn dễ thực hành nhưng đem lại sự an lạc, hạnh phúc và tâm thanh tịnh rất tuyệt vời cho chúng ta.

I. DỤNG CỤ TỌA THIỀN
– Bồ đoàn tròn (độ rộng và chiều cao tùy vào cơ thể lớn nhỏ)
– Tọa cụ vuông 70cm, độ dày khoảng 2cm.
– Khăn lông hoặc gối nhỏ để kê, lót chân hoặc kê lót dưới hai bàn tay.
–  Bồ đoàn tròn để trên tọa cụ.

II. NGỒI THIỀN
– Ngồi trên bồ đoàn, xương cùng đúng giữa bồ đoàn, hơi đổ về trước một chút, nghiêng qua nghiêng lại cho thân ổn định cân bằng.
– Ngồi kiết già: chân trái gác lên đùi phải, chân phải gác lên đùi trái hoặc ngược lại.
– Ngồi bán già: chân trái gác lên đùi phải hoặc ngược lại.
– Nếu xương sống hoặc chân bị đau có thể ngồi xếp bằng bình thường, hoặc ngồi trên ghế cũng được (quan trọng là tâm được an lạc và thanh tịnh)
– Sau khi ngồi ổn định: bàn tay phải để lên bàn tay trái, hai bàn tay đặt trên lòng bàn chân, hai đầu ngón tay cái vừa chạm nhau, nằm ngay giữa rún, hai cùi trỏ tay để sát vào hông. Để khăn hoặc gối nhỏ kê lót dưới hai bàn tay và kê lót chân nếu bị trũng thấp hoặc bị đau.
– Ngồi lưng thẳng vừa phải, đừng quá ưỡn ngực về trước cũng đừng để cong hoặc ẹo, đầu hơi cúi nhẹ (tầm nhìn khoảng 1.5m). Nếu cúi thấp quá dễ bị hôn trầm.
– Mắt nhắm lại vừa khít, đừng nhắm quá chặt.
– Ngồi yên, gương mặt bình thản, vui tươi, thả lỏng toàn thân.
–   Sau khi thả lỏng toàn thân, từ từ hít vô thật sâu và từ từ thở ra nhẹ nhàng cho hết (3 lần)

PHƯƠNG PHÁP TỌA THIỀN 1:

DÙNG HƠI THỞ LÀM ĐỀ MỤC

Sau khi hít vô thở ra thật mạnh (3 lần). Tâm hướng về hơi thở quan sát nhận biết từng hơi thở đi vô, từng hơi thở đi ra. Hơi thở đi ra – đi vô ngắn dài, sâu cạn đều nhận biết rõ ràng vậy thôi (nhớ cảm giác thả lỏng, chỉ nhận biết, không tập trung bằng ý chí và nhìn bằng mắt. Nếu tập trung như vậy sẽ bi đau mắt, nóng trên đỉnh đầu và dẫn đến nhức đầu).
Tâm hướng về hơi thở, quan sát, nhận biết với một cái tâm thương yêu, chăm sóc, dịu dàng và thầm cảm ơn. Nếu không có hơi thở này là ta không thể sống được, vậy mà từ lâu lắm rồi ta luôn bỏ quên nó, không để ý tới nó, không chăm sóc nó.
Sau một lúc quan sát, nhận biết hơi thở tâm chưa được huấn luyện cho nên nó lại trở về quá khứ hoặc dự định, toan tính mọi thứ ở tương lai, giây phút hiện tại không còn nữa. Đơn giản ta chỉ cần nhận biết các vọng tưởng đó rồi quay lại giây phút hiện tại là an trú tâm, nhận biết từng hơi thở – chỉ vậy thôi (không sợ vọng tưởng mà chỉ sợ nhận biết vọng tưởng chậm mà thôi).
Hãy thực tập như vậy từ từ hơi thở sẽ nhẹ dần và các vọng tưởng sẽ thưa dần. Lúc này ta mới cảm nhận được cái gì là sự hỷ lạc, khinh an từ tâm và thân. Sâu hơn nữa, tâm ta từ từ lắng xuống, thanh tịnh, sáng suốt, tỉnh thức tuyệt vời. Hãy thực hành để cảm nhận.
Trong lúc tọa thiền, tâm ta chưa an tịnh do đó cảm giác thấy có nhiều vấn đề lạ thường như: có một lằn ánh sáng trước mặt, có gì chớp chớp sáng trong hoặc nhiều màu giống như những bóng đèn cực nhỏ, thấy lăn tăn, ngứa ngứa như có con gì bò chỗ này, chỗ kia hoặc thấy con rắn, con cọp, con nhện hay hình bóng lờ mờ gì đó,… Đó chỉ là những thứ ảo giác, không phải thực có. Khi thấy những hiện tượng đó xuất hiện, ta chỉ cần đưa tâm về an trú nơi từng hơi thở là nó tự động biến mất (do khi ta thấy hiện tượng đó nghĩa là ta đã bị vọng tưởng rồi)

TRONG CUỘC SỐNG HẰNG NGÀY

Người hành thiền ĐI, ĐỨNG, NẰM, NGỒI luôn dùng sự nhận biết kiểm soát tâm mình, kiểm soát mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, không cho nó nghĩ và làm những điều bất thiện. Khi có tham có sân, giận hờn, ganh tị, hơn thua, bất bình, bất mãn, ngã mạn khởi lên chỉ nhận biết buông xả, (cái biết đầu tiên là tâm Phật, cái đuôi phía sau thì thầm độc tấu, phân tích là tâm phàm phu). Cứ thực hành nhận biết buông xả lâu ngày thành thói quen, thì tất cả phiền não sẽ không còn làm phiền chúng ta nữa. Muốn giải thoát thì phải thực hành nhận biết buông xả như vậy là chúng ta đã hành thiền cả ngày rồi đó.

PHƯƠNG PHÁP TỌA THIỀN 2

HUẤN LUYỆN TÂM VÀ DUY TRÌ TRÍ NHỚ

Phương pháp này giúp người ngồi thiền bị vọng tưởng nhiều, hơi thở nặng nề khó thở, khó nhận biết hơi thở vô, hơi thở ra một cách tự nhiên và người hay bị mất chánh niệm, mau quên, có khi muốn làm cái gì, muốn lấy cái gì nửa chừng quên mất, lâu lắm mới nhớ lại hoặc quên luôn. Phương pháp này giúp ta có một định lực mạnh, chắc và tâm dễ định.

1.  AN TRÚ TÂM VÀO TỪNG HOA SEN: Những lần đầu Thiền sinh mở mắt nhìn từng Hoa sen và hít vô thở ra bằng mũi vài phút cho quen. Sau đó nhắm mắt lại nhận biết thứ tự từng Hoa sen và hít vô thở ra.

2.  CÁCH THỰC HÀNH:

Bước 1 (Huấn luyện tâm):

Bắt đầu từ trái qua phải, hết tầng 1 rồi lên tầng 2, tầng 3, sau đó quay trở lại từ đầu. Thực hành tự nhớ đủ 9 lần. Nếu bị vọng tưởng hoặc quên thì không thực hành tiếp mà làm lại từ đầu (thí dụ được 4 lần mà bị vọng tưởng hoặc quên số đếm thì không thực hành tiếp nữa mà làm lại từ đầu). Khi vọng tưởng khởi lên, chỉ cần nhận biết đây là dòng suy nghĩ thiện hay bất thiện (tiêu cực hay tích cực, tốt hay xấu), chỉ vậy thôi. Khi chúng ta thực hành thuần thục, chúng ta sẽ có sự nhạy bén và hiểu rõ các dòng suy nghĩ khởi lên là thiện hay bất thiện (đây còn là tâm nhận biết của người phàm phu, nên có tiếng nói thì thầm phân biệt).

Sau khi đã thực hành thuần thục, rõ biết những vọng tưởng khởi lên là thiện hay bất thiện rồi, tiếp theo ở tầng sâu hơn khi vọng tưởng khởi lên, chúng ta dùng tâm biết – chỉ quan sát những dòng suy nghĩ mà thôi (đây là tâm biết – tức là chỉ quan sát, không có tiếng nói thì thầm bên trong). Ví dụ: Dòng suy nghĩ khởi lên vui buồn, thiện ác, đẹp xấu, phải quấy, hơn thua, ganh tị, bất bình, bất mãn, chỉ cần lui ra phía sau dùng tâm biết nhìn tất cả những dòng suy nghĩ đó nhưng không hòa nhập vào đó để dính mắc.

Bước 2 (Duy trì trạng thái nhận biết hơi thở): 

Nếu thực hành đủ 9 lần mà không bị vọng tưởng thì ta hướng tâm vào tầng Nhất niệm (ngàn vọng niệm chỉ còn lại hơi thở vô, hơi thở ra). Lúc này Thiền sinh không để ý đến Hoa sen nữa mà tâm hướng đến cảm giác nhận biết hơi thở vô, hơi thở ra mà thôi (nhớ cảm giác thả lỏng, nhận biết, không tập trung ý chí và nhìn bằng mắt, nếu tập trung như vậy sẽ bị nhức mắt, nóng trên đỉnh đầu và dẫn đến nhức đầu). Thực hành như vậy khoảng 30 phút mà không bị vọng tưởng thì hướng tâm vào tầng Vô niệm. Lúc này người hành thiền tâm được thanh tịnh, rỗng rang, trong suốt, tỉnh thức, không có một ý niệm nào khởi lên (không còn trú tâm vào hơi thở nữa) mà lúc này người hành thiền sẽ cảm nhận được cái gì là tâm Phật bất động, cái gì là vô sinh bất diệt, cái gì là Phật Tánh, cái gì là chân tâm ẩn sâu trong tâm ta tỏa ra, thầm biết hết tất cả, nhất là thân ngũ uẩn này. Cứ thực hành như thế, lắng sâu hơn nữa sẽ có cảm giác tuyệt vời thanh tịnh hơn nữa. Hãy thực hành để cảm nhận. (Nhớ thực hành nghiêm túc từng phần, không được vội vàng).

3.  TRONG CUỘC SỐNG HẰNG NGÀY: Người hành thiền ĐI, ĐỨNG, NẰM, NGỒI luôn dùng sự nhận biết kiểm soát tâm mình, kiểm soát mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, không cho nó nghĩ và làm những điều bất thiện. Khi có tham có sân, giận hờn, ganh tị, hơn thua, bất bình, bất mãn, ngã mạn khởi lên chỉ nhận biết buông xả, (cái biết đầu tiên là tâm Phật, cái đuôi phía sau thì thầm độc tấu, phân tích là tâm phàm phu). Cứ thực hành nhận biết buông xả lâu ngày thành thói quen, thì tất cả phiền não sẽ không còn làm phiền chúng ta nữa. Muốn giải thoát thì phải thực hành nhận biết buông xả như vậy là chúng ta đã hành thiền cả ngày rồi đó.

Chú ý : Nhớ  NHẬN BIẾT – BUÔNG XẢ, đừng bao giờ quên bốn chữ này (Nhận biết – buông xả nghĩa là không bị dính mắc, không bị phiền muộn chứ không phải làm lơ, có thái độ vô cảm hoặc chịu đựng trước mọi thứ)

III.  XẢ THIỀN
– Đầu cúi về phía trước – ngả ra sau: 5 lần
– Đầu nghiêng qua trái –phải: 5 lần
– Đầu xoay tròn từ trái – phải 5 lần và ngược lại
– Bàn tay:
· Cổ tay: xoay tròn từ trái qua phải 5 lần và ngược lại.
· Bàn tay gập lên xuống 5 lần
· Bàn tay xòe ra, nắm vào 5 lần
Đổi tay
– Động tác vặn mình: để hai tay phía trước bụng, lắc mình qua trái, lắc mình qua phải 10 lần
– Dùng hai tay xoa lên mặt, vuốt từ phía miệng lên trán 5 lần
– Dùng hai bàn tay chà vào nhau, áp vào hai mắt 5 lần
– Dùng hai bàn tay vuốt tóc từ trước ra sau 5 lần
– Vuốt nhẹ 2 rái tay 5 lần
– Dùng tay phải chà sau ót 5 lần
– 2 bàn tay để ở thắt lưng chà lên chà xuống 10 lần
– Thả lỏng hai chân ra
· Xoay tròn cổ chân trái từ trái qua phải, từ phải qua trái 5 lần, gập bàn chân lên xuống 5 lần
· Làm tương tự cho chân phải
–  Dùng hai tay chà lên xuống hai chân từ đầu gối xuống cổ chân 10 lần

(Khi công phu ở nhà, các động tác xả thiền có thể được làm nhiều hơn để máu lưu thông tốt hơn)

(Sưu tầm)