Đậu đũa còn có tên khác là đậu giải áo, cương đậu, tên khoa học: Vigna sinensis (L.), họ đậu (Fabaceae). Quả đậu đũa còn xanh, hạt và rễ đậu đũa được dùng làm thuốc.
Trong 100g đậu đũa chứa 47 calo; có 8g cacbonhydrat, 3g protein; cung cấp acid nicotinic, các sinh tố B1, B2, C... Theo Đông y, đậu đũa vị ngọt, tính bình, vào tỳ, vị và thận. Tác dụng kiện tỳ, ích khí, bổ thận, sinh tinh, thanh nhiệt giải độc, lợi yết hầu, giải độc trùng thú cắn đốt. Chữa tỳ vị hư nhược, thận hư với các triệu chứng nôn ói, tiêu chảy, đái tháo đường, tả lỵ, di tinh, bạch đới, tiểu buốt, tiểu dắt... Rễ cây có tác dụng kiện tỳ, ích khí, tiêu thực; chữa trĩ xuất huyết, tiểu đục, đinh nhọt. Lá đậu đũa chữa chứng tiểu nhỏ giọt và tiểu buốt (lâm chứng). Hằng ngày dùng 30-60g, bằng cách nấu, chưng, hầm, om, xào.
Chữa tiểu tiện ra máu: hạt đậu đũa nghiền thành bột, ngày uống 5 lần, mỗi lần 5g, chiêu bằng nước đun sôi hoặc rượu.
Chữa bí tiểu, tiểu tiện nhỏ giọt: lá đậu tươi 100g sắc với nước, uống trong ngày.
Đậu đũa hầm nhừ: đậu đũa 30-60g hầm nhừ với nước và muối lượng thích hợp, ăn khi đói. Tác dụng bổ thận cố tinh. Dùng tốt cho người bị di tinh di niệu.
Gà hầm đậu đũa rau ngót: thịt gà 150g, đậu đũa 30g, rau ngót 60g, gia vị và lượng nước thích hợp, hầm nhừ. Dùng tốt cho người bị huyết trắng, khí hư, tiểu dắt, tiểu buốt.
Đậu luộc: đậu đũa 150-200g rửa sạch, cắt ngắn; luộc chín. Ăn đậu và uống nước. Thích hợp với người đái tháo đường, tiểu tiện liên tục, miệng khát.
Đậu xào thịt lợn: đậu đũa tươi150-200g, thịt lợn 200g. Đậu đũa rửa sạch ngắt đoạn. Thịt lợn (ba chỉ) rửa sạch thái lát, cho vào chảo, thêm gia vị, đảo đều đến khi xém cạnh; cho đậu vào đun chín. Chữa di tinh, tiểu đục, khí hư bạch đới.
Nước hồ đậu đũa: đậu đũa 100-200g nấu nhừ thêm muối ăn. Dùng tốt cho người bị côn trùng, mèo chuột cắn đốt.
Cháo đậu đũa: hạt đậu tươi 100g, gạo tẻ 100g, đại táo 10 trái. Nấu cháo ăn trong ngày. Chữa di tinh do thận hư.
Kiêng kỵ: Người bị táo bón, đầy hơi trướng bụng nên hạn chế dùng.
BS. Tiểu Lan
(Theo suckhoedoisong.vn)